Chương 1: Chương I

Mặt trời gần khuất. ánh nắng trong khu vườn nhà lý Nhuận vẫn còn vẩn vương trên các cụm lá, chòm hoa. Gió chiều thoang thoảng mát. Giữa hồ sen lụi, đôi ngan trắng nhởn nhơ đùa gợn sóng vàng... Nhuận và Dung đương ăn cơm gần cửa sổ. Mặt hồ phản chiếu ánh nắng lên má Dung lấp loáng như đàn bướm lửa... Nhuận âu yếm nhìn Dung, tay nâng chén rượu thong thả từng ngụm một... Hai vợ chồng lấy nhau thấm thoắt đã ba năm trời. Cảnh gia đình rất mực hòa thuận. Chồng, được thỏa ý nguyện, không ước mong gì nữa. Và, cái ước mong lớn nhất của đời Nhuận chẳng đã thực hiện rồi ư? Vợ thấy chồng thương yêu mình lại cành thêm nức dạ. Dung đoán từng cái ưa thích của Nhuận để cố làm cho Nhuận vừa lòng. Trong cửa trong nhà, Dung giữ lúc nào cũng ngăn nắp sạch sẽ. Quần áo chồng mặc đều một tay Dung may vá. Bạn chồng đến chơi, Dung vui vẻ tiếp đãi. Dung lo toan rất chu đáo mọi việc mùa màng, lại khéo sai bảo đầy tớ. Sự sáng dạ, tính chăm chỉ và lòng thương người làm cho Dung được ai nấy yêu chuộng. Và, hiện giờ, hai vợ chồng chỉ mong được chút con. Nhuận trỏ món nai xào, vừa cười vừa bảo vợ: - Mình dùng đi chứ? Có thứ gì ngon mình nhường tôi cả... phiền chết đi thế này này!... - Thôi, ông chịu khó xơi giùm cháu! Và, Dung tiếp:
ⓚyhuyen.com - Nói đùa chứ em để mình nhắm rượu; em ăn thứ khác cũng đủ. Nhuận không bắt Dung phải nài thêm. Thầy lý bảnh trai ấy đã nổi tiếng là Lê Như Hổ. Dung lẳng lặng và cơm, thỉnh thoảng liếc nhìn chồng một cách tình tứ. - Cứ ngắm nghía mãi, làm cho người ta phát ngượng! Dung nũng nịu: - Thấy mình ngốn mà em thèm. Câu nói vô tình khiến Nhuận mất vui. Chàng nhận thấy Dung vẫn đẹp, vẫn tươi nhưng hơi gầy hơn trước. - Mình phải chịu ăn đi chứ! Ai cứ mỗi bữa vài lưng cơm rồi làm quần quật suốt ngày thì đến sắt đá cũng không chịu nổi... - Đã đành ăn được ngủ được là tiên... nhưng nào phải là việc có thể cố gắng được!... - Tôi trông mình mỗi ngày một sút, tôi buồn lắm. Nhờ trời, nhà ta đủ bát ăn lại sẵn kẻ đầy người tớ, mình chỉ bảo qua loa mọi việc là đủ, hà tất cứ phải tay buông, tay bắt suốt ngày? Mình đầu tắt mặt tối thì tôi dù an nhàn cũng không hả. - Mình đừng nghĩ ngợi vì điều ấy. Em quen vất vả từ nhỏ rồi...
ⓚyhuyen.com - Nhưng mình ăn ít làm nhiều, người không lúc nào sỉnh ra được... Lẳng lơ, Dung ngắt lời chồng: - Mình cứ chê em gầy yếu nhưng giá hai vợ chồng thử đánh vật, em chưa chắc đã thua!... - Không nói chơi đâu, mình! Thử lấy gương soi thì biết: Từ khi thầy qua đời, mình kém hẳn đi... Dung đăm đăm nhìn ra đôi ngan trắng bơi lội trên mặt hồ sen... Những ngày cuối cùng của ông đồ lại kế tiếp hiện ra trong trí nhớ Dung... Thực, phương ngôn chẳng câu nào nhầm: "Thức đêm mới biết đêm dài Ở lâu mới rõ ai người dở hay". Nhuận là một người chồng mà tấm lòng tốt chính Dung cũng không ngờ tới. Bước chân đi làm dâu, Dung vẫn ngấm ngầm thương cha hiu quạnh thì Nhuận đã thay Dung ở bên giường ông đồ. Nhuận không để bố vợ phải thiếu thốn gì, hết sức làm cho cuộc đời tàn của ông bớt đau khổ. Đến nỗi, khi sắp mất, ông đồ đã cầm tay Dung mà dặn rằng: "- Anh lý nó không phải là rể nữa, nó thực là con trai thầy. Vậy, suốt đời, con nên đối với chồng con sao cho hết đạo. Con nên theo gương mẹ con ăn ở với thầy khi trước, đừng sai..." Dung gạt nước mắt, xin tuân lời.
ⓚyhuyen.comTuy thế, Dung vẫn chưa quên Kính. Tình xưa vẫn quằn quại trong lòng nàng. Dung cứ phải làm lụng để quên đi, Dung rất sợ những phút ngồi xuông, nó bắt nàng nghĩ ngợi... Nhuận ái ngại nhìn Dung... Sự gầy yếu mỗi ngày một rõ rệt của Dung, khiến Nhuận e vợ mình sẽ kém bề sinh nở. Nhiều lần, bà cụ Bá đã phàn nàn riêng với Nhuận về nỗi muộn mằn của Dung. Nhưng chàng vẫn an ủi mẹ rằng cả hai vợ chồng còn trẻ thì đã lo gì. Tấm lòng tin của Nhuận hiện bắt đầu lung lay... Nhuận đau đớn ngỡ Dung hiếm hoi có lẽ là quả báo do tội ác của Nhuận. Vì, trước kia, Nhuận đã gian díu và có con với một người cô đầu ở tỉnh. Người cô đầu đã chết ngay sau khi đẻ. Còn đứa bé thì mụ chủ nuôi; Nhuận chỉ thỉnh thoảng cho mụ ít tiền. Ông trời biết đâu chẳng vì thế mà định trừng phạt Nhuận? Nhuận hối lắm và càng thương Dung không biết chừng nào... Chợt nghe chồng thở dài, Dung ngẩng đầu: - Mình sao thế? Nhuận lắc: - Không, mình có điều gì giấu em... em biết! - Tôi chỉ lo mình cứ gầy yếu như thế này mãi thì... Dung thẹn, gắt: - Khiếp! Mình đến hay vớ vẩn!... Uống nốt chén rượu đi rồi còn ăn cơm... Nhuận gác đũa lên thành mâm, tợp nốt ngụm rượu cuối cùng. - Mình đưa bát em xới. Nhuận xua tay: - Mình không ăn cơm thế xót ruột chịu sao được?
ⓚyhuyen.com - Nhắm no rồi. Dung gọi đầy tớ triệt mâm và tự mình đi lấy tăm, nước cho Nhuận. - Mình để chúng nó lấy cũng được mà! Còn mình có sang Trung Môn thì đi luôn đi kẻo lúc về lại tối. - Thế mình bằng lòng cho em gây tằm à? - Mình thích thì làm. Tôi, tôi chỉ e nhà đã bận nhiều việc, nếu mình càm cắp thêm mãi thì sức đâu cho xuể! - Điều ấy, mình chớ lo! Dung vào buồng... Lúc trở ra, Dung đẹp ngồn ngộn. Mà Dung có phấn sáp gì đâu! Dung chỉ khoác thêm cái áo the, sửa lại mái tóc và nhai một miếng trầu cau đậu nó làm cho vẻ mặt Dung hồng hào. Bà cụ tổng Phay ở cách nhà Dung một cánh đồng và một khúc đường ngót hai cây số. Bởi vậy, mãi gần 9 giờ, Dung mới về tới nhà. Dung đoán Nhuận đã ngủ. Nàng khẽ gọi cổng và rón rén vào buồng. Chợt Dung thoảng nghe bà cụ Bá nói: "- Tôi già gần kề miệng lỗ rồi! Lắm lúc ra đường, thấy cháu người ta hàng đàn, hàng lũ, mà tôi thèm... tôi buồn'. Câu nói làm cho Dung đau đớn. Bây giờ nàng mới hiểu ý nghĩa sự băn khoăn của Nhuận mỗi khi chàng đả động tới sức khỏe của nàng. Dung trở ra sân, vờ lên tiếng rồi mới lại quay vào. Nhuận vội tươi cười đón hỏi và nói huyên thiên về những chuyện trồng dâu chăn tằm. Sớm hôm sau, Dung vừa thức giấc thì đầy tớ vào nói có Hạnh đến chơi. Dung lấy làm lạ: Ngay từ khi Nhuận hỏi Dung, Hạnh đã về bè với lũ ghen ghét để nói xấu Dung, rồi từ đấy, hai người không đi lại gì với nhau nữa. Nay, Hạnh đến thì hẳn có việc gì lạ. - Mời cô ta ngồi chơi; tôi rửa mặt cái đã. Dung sửa soạn khăn áo xong liền ra tiếp Hạnh. - Kìa, chị Hạnh! Đi đâu sớm thế? Sao lâu nay không lại chơi? Hạnh đỏ mặt: - Nhà có một mình nên em... bận lắm, không đi đâu được. Hôm nay, em sở dĩ lại thăm chị là để nhờ chị... làm ơn cho một việc... - Vâng, chị muốn gì xin cứ bảo. - Thầy em lên cái hậu bối, không khéo nguy. Trong nhà lại chẳng có một đồng, một chữ nào... - Chết chửa! Bác đau từ bao giờ? - Thầy em đau đã mười hôm nay, bởi vậy em phải sang nói khó với chị làm ơn cho em cầm mẫu ruộng. - Ồ, chị cần cũng như em cần, ai đâu xa lạ mà phải cầm với chác! - Đã đành vậy, nhưng xin chị cứ cho minh bạch là hơn. - Không, em chẳng cầm bán gì đâu; em chỉ cho chị vay mà thôi. Chị muốn dùng bao nhiêu nào? - Chị giúp em được đồng nào quý đồng ấy. - Thế chị hãy cầm tạm dăm chục; sau thiếu lại lấy thêm. - Tùy lượng chị. Hạnh thẹn vì lòng tử tế của Dung. Hạnh không ngờ Dung lại dễ quên những điều lỗi của Hạnh đối với Dung khi trước. Đang lúc Hạnh nghĩ vẩn vơ như thế thì Dung đã ở trong buồng bước ra: - Đây, chị hãy cầm bây nhiêu về thuốc thang cho bác. Em xin cầu trời Phật phù hộ cho bác được mau lành. Hạnh tiếp lấy món tiền Dung đưa, cảm thấy như cầm phải thứ quả đầy gai góc. Dung hỏi luôn: - À, thế nào, lúa má bên nhà vừa rồi có khá không? - Chẳng đủ tiền thuốc và trả nợ vặt! - Chị cẩn thận cho bác lắm mới được: Bệnh hậu bối không phải là bệnh thường! Hạnh nắm lấy tay Dung, ứa nước mắt. - Chị Dung, chị tha tội cho em... Dung khẽ tát yêu lên má Hạnh: - Chuyện đã qua, thôi không nhắc đến nữa!... Chị hãy về rồi đến trưa em sang. Dung tiễn Hạnh ra cổng. Mấy anh trai làng, chợt đi qua, thấy Hạnh liền khúc khích bảo nhau: - Cái Hạnh dạo này trông tốt nái quá nhỉ! Của ấy giờ mà lấy chồng thì gọi là có con ngay!... Hạnh đỏ mặt. Vội chào Dung rồi đi thẳng... Dung nhìn theo, nghĩ ngợi: "Ừ, họ nói thế mà phải. Hạnh tốt nái thực! Mẹ chồng ta mà được con dâu như Hạnh thì chắc không còn thở than vào đâu được nữa!".
Hãy tắt ads block nếu nội dung không được hiển thị