Mùng hai tháng hai, Long Sĩ Đầu (1).
Dưới ráng chiều, trong một khu hẻo lánh tên ngõ Nê Bình tại tiểu trấn, có một thiếu niên gầy gò lẻ loi đang tay cầm nến tay cầm nhánh đào xua xua đập đập khắp nơi từ xà nhà, vách tường và cả giường gỗ theo tập tục. Cố gắng mượn cái này để xua hết rắn rết sâu bọ ra, miệng thì lẩm bẩm câu cách ngôn truyền qua bao đời của tiểu trấn này: Mùng hai tháng hai, nến soi xà nhà, đào đánh vách tường, rắn rết nhân gian không chỗ nấp.
Thiếu niên họ Trần, tên Bình An, song thân mất sớm. Tiểu trấn này nổi danh nhờ đồ sứ, từ khi bản triều khai quốc đến nay đã gánh trách nhiệm “phụng chỉ trông lò hiến lăng cúng tế”. Cũng có quan viên triều đình quanh năm trú đóng ở nơi này để giám sát và quản lý mọi việc ở quan diêu. Thiếu niên bơ vơ không nơi nương tựa đã làm thợ trong lò gốm sứ này từ lâu. Ban đầu hắn chỉ có thể làm mấy việc chạy vặt nặng nhọc, đi theo một vị sư phụ hờ tính tình nóng nảy. Cố gắng hết mấy năm, vừa mới lần mò được chút nghề, nào ngờ chuyện đời khó lường, tiểu trấn đột nhiên mất đi lá bùa hộ mệnh là quan diêu tạo bạn(2) này. Hơn mười lò gốm với tạo hình như ngọa long quanh tiểu trấn đã bị quan phủ hạ lệnh cưỡng chế đóng cửa, tắt lò trong vòng một đêm.
Trần Bình An buông nhánh đào vừa bẻ xuống, thổi tắt nến, sau khi ra khỏi phòng thì ngồi xuống bậc thềm, ngẩng đầu nhìn lên bầu trời xán lạn phía trên.
Thiếu niên đến nay hãy còn nhớ rõ, vị sư phụ già chỉ nhận mình làm nửa đệ tử kia dọ Diêu. Ông được người ta phát hiện ngồi trên một chiếc ghế trúc, nhắm mắt ngồi đối diện với lò gốm trong một buổi sớm tinh sương vào cuối thu năm ngoái.
Nhưng người thích đâm đầu vào ngõ cụt như Diêu lão đầu chung quy cũng không nhiều.
Quan diêu trong tiểu trấn bao đời chỉ biết làm gốm sứ cống phẩm không dám đi quá giới hạn, cũng không dám lấy đồ sứ cất trong kho ra bán riêng cho dân chúng, đành phải tìm lối ra khác. Trần Bình An mười bốn tuổi cũng bị đuổi ra ngoài, sau khi quay về ngõ Nê Bình thì tiếp tục trông coi gian nhà cũ nát, chỉ có bốn vách tường xiêu này. Dù Trần Bình An có muốn phá của thì cũng đành chào thua.
Sống kiếp cô hồn dã quỷ vất vưởng một thời gian, thiếu niên thật sự không tìm được việc nào ra tiền. Dựa vào chút tiền dành dụm trước đó cũng chỉ miễn cưỡng nhét đầy bụng. Mấy hôm trước nghe nói bên ngõ Kỵ Long cách đó mấy con phố có một lão thợ rèn họ Nguyễn từ nơi khác đến, còn tuyên bố muốn nhận bảy tám học đồ rèn sắt, tuy không trả tiền công nhưng lại bao cơm. Thế là Trần Bình An vội vàng chạy tới thử vận may, nào ngờ ông ta chỉ nhìn hắn một cái đã từ chối ngay tại chỗ. Lúc đó Trần Bình An lại ngầm bực, chẳng lẽ việc rèn sắt này không phải xét lực tay mạnh yếu mà là nhìn mặt đẹp hay xấu à?
Phải biết rằng tuy trông Trần Bình An có vẻ gầy gò thế thôi, nhưng khí lực lại không thể xem thường, đây là vốn liếng mà thiếu niên luyện ra được trong những năm nung gốm kéo phôi kia. Ngoài ra Trần Bình An còn theo Diêu lão đầu chạy khắp hang cùng ngõ hẻm trong phạm vi trăm dặm của tiểu trấn, thử hết mùi của đủ loại đất nơi đây. Làm người chịu thương chịu khó, việc bẩn hay nặng nhọc đến đâu hắn cũng chịu làm, không hề chê bôi lươn khươn.
ⓚyhuyen.ⓒom. Tiếc là Diêu lão đầu không thích Trần Bình An, cứ chê hắn không có ngộ tính, là khúc gỗ dạy mãi chửa thông, thua xa đại đồ đệ Lưu Tiện Dương của ông ta. Cũng không thể trách Diêu lão đầu bất công được, sư phụ dắt vào nghề, tu hành tại bản thân. Ví như cùng là một việc kéo phôi nhàm chán, công sức nửa năm ngắn ngủn của Lưu Tiện Dương đã hơn hẳn ba năm cần lao của Trần Bình An.
Tuy rằng cả đời chưa chắc sẽ được dùng tới cái nghề này nữa, nhưng Trần Bình An vẫn nhắm mắt lại, tưởng tượng trước mặt mình có một xe đẩy chất đầy đá xanh, bắt đầu tập kéo phôi cho quen tay như dĩ vãng.
Đại khái cứ qua mỗi khắc thì thiếu niên sẽ nghỉ xả hơi một lúc, cổ tay run lẩy bẩy. Cứ lặp đi lặp lại như thế, mãi đến khi toàn thân rã rời thì Trần Bình An mới đứng dậy, vừa đi dạo trong sân vừa thư giãn gân cốt. Chưa từng có ai dạy Trần Bình An những điều này, đây toàn là do chính hắn mò mẫm ra được.
Khung cảnh vốn đang tĩnh lặng, bỗng đâu lại có một tiếng cười mỉa chói tai vang lên khiến Trần Bình An dừng bước. Qủa nhiên lại thấy cái tên cùng lứa kia đang ngồi xổm trên đầu tường, nhếch mép cười khẩy nhìn hắn.
Người này là hàng xóm lâu năm của Trần Bình An, nghe đâu còn là con riêng của vị đại nhân giám tạo tiền nhiệm. Vị đại nhân kia sợ bị điều tiếng, ngôn quan chỉ buộc tội nên cuối cùng một mình quay về kinh thành thuật chức, giao con cho vị quan viên đương nhiệm có quan hệ thân thiết nhờ trông nom.
Nay tiểu trấn bỗng nhiên mất tư cách quan diêu, vị đại nhân giám tạo phụ trách quản lý ở đây thay triều đình cũng khó mà giữ mình, nào còn lo được cho con riêng của đồng liêu. Sau khi ném cho ít tiền thì đã vội chạy về kinh thành lo lót quan hệ rồi.
Cậu thiếu niên hàng xóm bỗng nhiên rơi vào cảnh bị bỏ rơi vẫn cứ sống nhàn nhã như cũ, suốt ngày dắt theo nha hoàn thiếp thân của mình đi dạo quanh tiểu trấn. Suốt ngày ăn chơi thảnh thơi, chưa từng lo rầu vì chuyện tiền nong.
Nhà cửa trong ngõ Nê Bình đều là vách đất thấp bé, cậu ta chẳng cần nhón chân cũng có thể thấy chuyện bên này, nhưng lần nào nói chuyện với Trần Bình An cậu ta cũng thích leo lên tường ngồi cả.
So với cái tên Trần Bình An thô thiển tầm thường này thì cậu hàng xóm lại có cái tên lịch sự hơn biết bao, tên là Tống Tập Tân. Ngay cả tỳ nữ sống nhờ vào cậu ta cũng có cái tên nghe khá là nho nhã, Trĩ Khuê.
Lúc này thiếu nữ đang đứng ở bên kia bức tường, cô có đôi mắt hạnh, rụt rè nhút nhát.
Cửa viện bên kia lại có một tiếng nói vang lên: “Ngươi có bán tỳ nữ này không?”
Tống Tập Tân ngẩn ra, quay đầu nhìn lại theo hướng giọng nói kia thì thấy một thiếu niên người vận cẩm y xa lạ đang mỉm cười đứng bên ngoài viện.
Bên cạnh thiếu niên cẩm y có một lão giả cao to, da dẻ trắng bóc với vẻ mặt hòa ái, thoáng hí mắt đánh giá hai thiếu niên và thiếu nữ ở hai ngôi nhà kề sát nhau kia.
Tầm mắt của lão giả lướt hẳn qua người Trần Bình An rồi thôi, nhưng đến Tống Tập Tân và tỳ nữ thì thoáng khựng lại một chút, ý cười dần rõ hơn.
ⓚyhuyen.ⓒom. Tống Tập Tân nguýt dài: “Bán! Sao lại không bán chứ!”
Thiếu niên kia mỉm cười đáp: “Vậy ngươi báo giá đi.”
Thiếu nữ mở to hai mắt, trên mặt đầy vẻ không dám tin, giống hệt như một chú nai non hoảng hốt.
Tống Tập Tân liếc mắt một cái, giơ một ngón tay lên lắc lư: “Vạn lượng bạc trắng!”
Thiếu niên cẩm y vẫn điềm nhiên như thường, gật đầu đáp: “Được.”
Tống Tập Tân thấy thiếu niên kia không giống đang nói đùa thì vội sửa lời: “Là vạn lượng vàng ròng!”
Thiếu niên cẩm y nhếch môi, nói: “Ta đùa với ngươi thôi.”
Tống Tập Tân lập tức sầm mặt.
Thiếu niên cẩm y không để ý tới Tống Tập Tân nữa mà dời mắt, nhìn về phía Trần Bình An.
ⓚyhuyen.ⓒom. “Hôm nay cũng nhờ có ngươi nên ta mới mua được con cá chép kia. Mua xong, ta càng ngắm lại càng thích, thầm nghĩ nhất định phải chính miệng nói một lời cảm ơn ngươi, nên mới nhờ Ngô gia gia đưa ta tới đây tìm ngươi ngay trong đêm thế này.”
Hắn ném một cái túi thêu nặng trịch qua cho Trần Bình An, cười tươi nói: “Đây là quà cảm tạ, ta và ngươi xem như chẳng ai nợ ai.”
Trần Bình An toan cất lời thì thiếu niên cẩm y nọ đã xoay người rời đi, khiến hắn thoáng nhíu mày.
Lúc sáng mình vô tình nhìn thấy một người trung niên xách theo rọ cá đi trên đường, trong rọ có con cá chép một đuôi vàng óng lỡn cỡ bàn tay đang giãy đành đạch. Trần Bình An chỉ nhìn lướt qua đã thấy thích nên mới mở miệng hỏi xem có thể dùng mười văn tiền để mua lại nó hay không. Người trung niên kia vốn chỉ muốn kiếm cái để cúng cho thần dạ dày của mình, thấy có cơ hội kiếm chắc nên nằng nặc đòi lên giá, còn hét đến giá trên trời, nhất quyết phải ba mươi văn mới chịu bán.
Trần Bình An nghèo rớt nào dư tiền như thế, nhưng thật sự rất thích con cá chép vàng kia nên mới bám riết theo sau người nọ mè nheo. Thầm nghĩ trả giá xuống còn mười lăm, dù là hai mươi văn cũng được. Đúng lúc người trung niên kia sắp sửa đồng ý thì thiếu niên cẩm y và lão nhân kia tình cờ đi ngang qua. Bọn họ chẳng nói chẳng rằng, dùng năm mươi văn tiền mua cả cá lẫn rọ. Trần Bình An chỉ có thể trơ mắt nhìn họ nghênh ngang rời đi mà thôi.
Nhìn chòng chọc vào bóng lưng của hai ông cháu nọ rời đi, Tống Tập Tân thu hồi ánh mắt hung tợn rồi nhảy xuống tường. Chừng như nhớ ra gì đó nên nói với Trần Bình An: “Này, nhà ngươi có nhớ con rắn mối hồi tháng giêng không?”
Trần Bình An gật đầu.
Sao lại không nhớ, phải nói là chuyện như mới hôm qua ấy chứ.
Theo phong tục trăm năm của tiểu trấn này, nếu như có động vật họ nhà rắn bò vào nhà mình thì là điềm lành, chủ nhân tuyệt đối không thể đuổi ra hay giết chết. Hồi đầu tháng giêng Tống Tập Tân ngồi ở ngưỡng cửa phơi nắng, lúc đó lại có một con rắn mối chạy lướt vào nhà ngay trước mắt. Tống Tập Tân bắt được thì ném ra ngoài sân, nào ngờ con rắn mối kia lại cứng đầu chạy vào cho bằng được. Tống Tập Tân chưa bao giờ tin chuyện quỷ thần mới nổi đóa, nổi giận ném nó vào sân của Trần Bình An. Ai ngờ qua hôm sau Tống Tập Tân lại thấy con rắn mối kia cuộn mình nằm dưới giường của cậu ta.
ⓚyhuyen.ⓒom. Tống Tập Tân chợt phát hiện thiếu nữ đang kéo tay áo của mình.
Thiếu niên và cô tâm hữu linh tê, bất giác nuốt hết những lời chực nói ra khỏi miệng vào lại trong bụng.
Điều cậu ta muốn nói chính là gần đây trên đầu của cái con rắn mối xấu xí đó hơi nhô lên, cứ như đang mọc sừng vậy.
Tống Tập Tân bèn sửa miệng: “Có thể tháng sau ta và Trĩ Khuê sẽ đi khỏi đây.”
Trần Bình An thở dài: “Trên đường đi nhớ chú ý.”
Tống Tập Tân nửa thật nửa giả: “Có mấy thứ ta không chuyển đi được, ngươi đừng có nhân lúc nhà ta vắng người mà cả gan vào trộm đấy nhé.”
Trần Bình An lắc đầu.
Tống Tập Tân bỗng bật cười, dùng ngón tay chỉ vào Trần Bình An: “Cái đồ nhát cáy, chẳng trách người đời đều bảo nhà nghèo chẳng ra nổi quý tử. Đừng nói là cả đời nghèo hèn mặc người ức hiếp, nói không chừng kiếp sau ngươi cũng trốn không thoát cảnh này đâu.”
Trần Bình An im lặng không đáp.
Sau khi ai vào nhà nấy, Trần Bình An đóng cửa lại, nằm trên chiếc giường gỗ cứng nhắc, thấp giọng nỉ non: “Toái toái bình, tuế tuế an, toái toái bình an, tuế tuế bình an (3)...”
Kinh Trập: Kinh trập (tiếng Hán: 驚蟄/惊蛰) là một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Ngày bắt đầu tiết Kinh trập thường diễn ra vào khoảng ngày 5 hay 6 tháng 3 dương lịch, khi Mặt Trời ở xích kinh 345° (kinh độ Mặt Trời bằng 345°). Đây là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước Đông Á chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc cổ đại. Ý nghĩa của tiết khí này, đối với vùng Trung Hoa cổ đại, là Sâu nở.
(1) Long Sĩ Đầu: Nông lịch mùng hai tháng hai, còn gọi là tiết Xuân Canh, tiết Nông Sự, tiết Thanh Long, tiết Xuân Long... Là một tiết nhật trong truyền thống dân gian của TQ. “Long” là chỉ chòm Thanh Long gồm bảy ngôi sao ở phía đông trong nhị thập bát tú. Cứ mỗi đầu tháng hai thì sao Long Giác sẽ bay lên từ đường chân trời ở phía Đông, tục xung “Long Sĩ Đầu”. Long Sĩ Đầu nằm giữa Kinh Trập và Xuân Phân. Vạn vật phá đất mà ra, hiện tượng này đại biểu cho sức sống bừng lên. Như Luật Thư có nói: “Mão chi vi ngôn mậu dã, ngôn vạn vật mậu dã”. Mão là một trong mười hai can chi, ngũ hành thuộc Mộc, quẻ tượng là “Chấn”. Cửu nhị tại lâm quái hỗ chấn, chấn là rồng, ý nói rồng đã ra khỏi trạng thái ẩn nấp, xuất hiện trên mặt đất, thể hiện tài năng.
(2) Quan diêu tạo bạn: Quan diêu là những lò gốm chuyên làm đồ cống phẩm cho triều đình vào thời Tống Cao Tông – Nam Tống. Tạo bạn là cơ cấu chuyên môn chế tạo đồ ngự dụng cho hoàng gia, thành lập ở thời đại Khang Hy. Tạo bạn do đại thần nội vụ phủ do hoàng đế đặc phái tới quản lý.
(3) Toái và tuế có phiên âm giống nhau, toái 碎 là suì, tuế 岁 cũng là suì.